Thực tế cho thấy, Việt Nam đã khống chế rất tốt sự lây lan của bệnh dịch Covid-19. Nhiều ý kiến cho rằng, những bài thuốc, cây thuốc Nam được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống đã giúp nâng cao sức đề kháng của người Việt, phòng ngừa được dịch bệnh.
Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp khi số lượng ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng nhanh với hơn 7 triệu ca nhiễm và gần 500.000 trường hợp tử vong. Và sau rất nhiều nỗ lực, Việt Nam đã khống chế thành công được đại dịch này khi tỉ lệ lây nhiễm cộng đồng thấp, đặc biệt hơn nữa là không ghi nhận trường hợp tử vong.
Bên cạnh sự thành công đó, rất nhiều ý kiến cũng như câu hỏi đã được đưa ra nhằm phân tích rõ hơn nguyên nhân từ đâu mà Chính phủ, người dân Việt Nam lại có thể phòng dịch tốt như vậy. Ngoài việc Chính phủ, các bộ các cấp, các ngành đã có những quyết sách, chủ trương, kế hoạch phòng, chống dịch tốt và các địa phương và người dân trong cả nước đã tuân thủ cách ly, vệ sinh phòng chống dịch bệnh tốt thì một trong số những ý kiến đang nhận được khá nhiều sự đồng tình liên quan tới việc người Việt nhờ sử dụng các bài thuốc, cây thuốc Nam thường xuyên nên đã nâng cao được sức đề kháng, giúp ngăn chặn bệnh dịch.
Ý kiến trên hoàn toàn có cơ sở. Người xưa có câu “Việt Nam ra ngõ gặp cây thuốc”, để thấy các loài cây thuốc, dược liệu ở nước ta phong phú và đa dạng tới nhường nào.
Hơn nữa, đối với người Việt Nam, ngay từ nhỏ đã có thói quen, tập quán sử dụng những cây thuốc, vị thuốc vào trong các món ăn, thực phẩm hàng ngày như gừng, giềng, tỏi, ngải cứu…, thì chúng lại là các vị thuốc nam quý giá có tác dụng bảo vệ cơ thể phòng chống bệnh tật. Điều này vô hình chung đã trở thành nhân tố tăng cường cho hệ thống đề kháng trong cơ thể người Việt. Theo lý luận của y học cổ truyền, “Thận tiên thiên chi bản – Tì sinh hoá chi nguyên” với ý nói rằng Thận là nguồn gốc của sinh mệnh, là hệ thống di truyền của con người.
Tì là chế độ ăn uống, là “hậu thiên” nguồn sinh hoá cho cơ thể phát triển, gia tăng sức đề kháng chống đỡ với bệnh tật. Từ đây, cũng để thấy thói quen ăn uống, sử dụng thực phẩm ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ nói chung và sức đề kháng nói riêng.
Trao đổi cùng PGS.TS,GVCC,TTƯT. Nguyễn Duy Thuần – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam, cho biết: “Tuy hiện nay, chưa có báo cáo hay thống kê cụ thể để khẳng định vấn đề người Việt phòng dịch Covid hiệu quả là nhờ sử dụng các cây thuốc, bài thuốc Nam từ nhỏ,nhưng đây là một gợi ý lý thú cần nghiên cứu, xem xét… Vì bản chất, người Việt có thói quen sinh hoạt, ăn uống gắn liền với các vị thuốc, bài thuốc ngay từ khi còn nhỏ và duy trì nó trong suốt cuộc đời, nên nhận định trên hoàn toàn có cơ sở”.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của những cây thuốc, bài thuốc quý có nguồn gốc tự nhiên, rất nhiều đơn vị, tổ chức đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển ngành y học cổ truyền. Hiện tại, Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Vimphar) cũng đang đi sâu nghiên cứu về các cây thuốc Việt, bài thuốc Việt để ứng dụng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
“Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình. Nhờ đó, nước ta có thảm thực vật cũng như tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Việt Nam là 1 trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, trong đó có vấn đề về cây thuốc và dược liệu với hơn 5175 cây thuốc.
Từ đây để thấy, nền y học cổ truyền dân gian ở nước ta rất phong phú, ở mỗi vùng, mỗi miền lại có những cây thuốc, bài thuốc rất độc đáo được lưu truyền qua các đời ông lang, bà mế vẫn chưa khai thác hết được.
Và nhiệm vụ của Vimphar ra đời nhằm kế thừa, nghiên cứu và phát triển những tinh hoa nằm trong các cây thuốc, bài thuốc của 54 dân tộc Việt Nam, để khởi dậy những tiềm năng trở thành hiện thực, nâng tầm y dược Việt Nam lên tầm thế giới, nâng tầm sức khoẻ người Việt.
Trên cơ sở các bài thuốc kế thừa, chúng tôi kết hợp với công nghệ hiện đại về bào chế để làm ra được các sản phẩm nhằm phòng chống, hỗ trợ điều trị bệnh. Nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc tác dụng dược lý, hoá học, kiểm nghiệm để bào chế được sản phẩm chất lượng cao, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho cộng đồng.
Một mặt tìm kiếm và không để các bài thuốc quý bị mai một, mặt khác là tiến hành chủ động trồng trọt, thu hái nguồn dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP – WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn và khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới), để cung cấp nguồn nguyên liệu làm thuốc, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu cùng các cơ sở nghiên cứu khác (TƯ Hội Đông Y Việt Nam, Cục Quản lý Y dược cổ truyền, các viện nghiên cứu…) và bảo tồn những cây thuốc, bài thuốc quý cũng như kinh nghiệm dùng thuốc tại các cộng đồng dân tộc. Tất cả nhằm phục vụ công tác phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng nói riêng và nền tảng sức khoẻ nói chung của con người” – ông Nguyễn Duy Thuần chia sẻ thêm.