Việt Nam và Trung Quốc đã công bố quan hệ đối tác mới nhằm phát triển ngành y học cổ truyền (YHCT) của hai nước theo hướng bền vững và có trách nhiệm hơn với môi trường. Đây là một động thái mang tính lịch sử nhằm bảo vệ động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời bảo tồn và thúc đẩy nền YHCT vì sức khỏe của con người.
Hiện nay, thế giới đã quan tâm hơn đến những đóng góp của YHCT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người. Điều này đã thể hiện được tầm quan trọng của YHCT nhưng quá trình thương mại hóa nhanh chóng của ngành này đang làm dấy lên những quan ngại về việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Cụ thể, YHCT chủ yếu phụ thuộc vào các thành phần động thực vật có nguồn gốc hoang dã nên nhu cầu ngày càng lớn các sản phẩm YHCT làm gia tăng áp lực cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa nghiêm trọng và tạo gánh nặng đáng kể lên các hệ sinh thái. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 50.000 tấn dược liệu thô được sử dụng cho mục đích y học[1], trị giá khoảng 440 triệu USD.
Nền y học cổ truyền ở Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua nhiều thế kỷ với khối kiến thức y học chuyên sâu được đúc kết trong hàng ngàn năm từ các hoạt động thực hành lâm sàng và văn hóa. Hiện nay, để giải quyết những thách thức trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia là vô cùng cần thiết.
Với mục tiêu đó, TRAFFIC cùng các hiệp hội YHCT Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức Hội thảo quốc tế trao đổi song phương, diễn ra trong ba ngày tại Việt Nam với sự tham gia của 28 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia đầu ngành, đại diện các công ty dược phẩm và nhà nghiên cứu nhằm thúc đẩy các hoạt động YHCT hợp pháp, an toàn và bền vững.
Các nội chính của Hội thảo bao gồm:
- Chia sẻ kiến thức và phương pháp hay nhất giữa các đại diện Việt Nam và Trung Quốc
- Tìm hiểu các chiến lược để loại bỏ các sản phẩm động thực vật hoang dã trái pháp luật trong điều trị và chăm sóc sức khỏe trong YHCT
- Phát triển khuôn khổ hợp tác lâu dài nhằm thúc đẩy các hoạt động YHCT bền vững
Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân, TS. Đỗ Thế Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR), Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam (VOTMA), giải thích rằng: “Mối quan hệ hợp tác này đánh dấu một chương mới trong lĩnh vực học cổ truyền, không chỉ tôn vinh trí tuệ và kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ thế giới tự nhiên đã góp phần nuôi dưỡng và làm phong phú thêm kho tàng y học cổ truyền. Nền y học cổ truyền Việt Nam đã cam kết không chấp nhận việc sử dụng các sản phẩm động thực vật hoang dã trái pháp luật. Thay vào đó, chúng tôi sẽ chứng minh rằng ngành y học cổ truyền hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, đồng thời đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Thông qua mối quan hệ hợp tác với Trung ương Hội Đông y Trung Quốc, chúng tôi kỳ vọng sẽ cùng nhau thiết lập những tiêu chuẩn mới, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của y học cổ truyền trong khu vực và trên thế giới.”
Ngoài ra, các đại biểu tham gia đã có chuyến tham quan và làm việc với Đại diện Viện Dược liệu, Bộ Y tế và Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên, mang lại góc nhìn thực tế về việc triển khai các phương pháp sản xuất bền vững, cũng như các cách tiếp cận sáng tạo trong quá trình sản xuất sản phẩm YHCT.
Các chuyến thăm thực tế này đã cung cấp thêm thông tin chuyên sâu và giá trị về ứng dụng thực tiễn của các phương pháp thực hành bền vững, đồng thời đóng góp những nội dung thảo luận quan trọng góp phần xây dựng dự thảo khuôn khổ hợp tác song phương.
Ông Liu Zhanglin, Phó chủ tịch điều hành Trung ương Hội Đông y Trung Quốc, giải thích về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác này: “Sự phát triển của y học cổ truyền đang đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh có sự giao thoa văn hóa và trí tuệ giữa các quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc củng cố quan hệ đối tác và tăng cường phối hợp là điều tất yếu. Với kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực y học cổ truyền, Trung Quốc và Việt Nam đã hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như thương mại và chăm sóc sức khỏe. Hai nước chúng ta cùng chia sẻ chuyên môn y khoa đa dạng đúc kết từ nghiên cứu lâm sàng, cũng như những thông tin chuyên sâu về sự phát triển của các nguồn tài nguyên dược liệu. Việc tăng cường hợp tác sâu rộng này không chỉ tạo ra cơ hội thuận lợi trong tương lai mà còn hướng đến các giải pháp thực tiễn, giúp y học cổ truyền phát huy vai trò lớn hơn trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững.”
Cam kết quan trọng
Hội thảo quốc tế trao đổi song phương đã kết thúc thành công với lễ ký kết cam kết mang tính lịch sử quy tụ các đại diện chủ chốt đến từ Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR), Trung ương Hội Đông y Trung Quốc (CACTM), Viện Phát triển cây thuốc, Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc (IMPLAD) và Hội Đông y Việt Nam (VOTMA). Hợp tác này đánh dấu bước tiến quan trong, thiết lập khuôn khổ cho các hoạt động y học cổ truyền mang tính bền vững và đồng thời có tiềm năng trở thành mô hình mẫu cho các quốc gia và khu vực khác đang phải đối mặt với những thách thức tương tự.
Bà Nguyễn Tuyết Trinh, Giám đốc Văn phòng TRAFFIC Việt Nam, kết luận rằng: “Bản cam kết này đề cao sức mạnh của hành động cá nhân và tập thể trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Khi cùng nhau thực hiện tầm nhìn chung này, các thầy thuốc và những người ủng hộ từ Việt Nam và Trung Quốc đang tiến những bước đi có ý nghĩa nhằm đảm bảo rằng nền y học cổ truyền tiếp tục phát triển một cách có trách nhiệm, đồng thời bảo vệ di sản thiên nhiên quý báu cho các thế hệ mai sau”.
Hướng tới tương lai
Quan hệ đối tác này sẽ tập trung vào việc xây dựng các hướng dẫn cụ thể về nguồn cung ứng bền vững, thúc đẩy nghiên cứu và khuyến khích sử dụng các giải pháp thay thế bằng thực vật hợp pháp và bền vững. Đồng thời, hai bên sẽ thiết lập cơ chế thường xuyên chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, tạo điều kiện cho sự phát triển hài hòa và bền vững trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Các sáng kiến sắp tới có thể bao gồm các dự án nghiên cứu chung, chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho các thầy thuốc và lương y, cũng như xây dựng các tiêu chuẩn ngành nhằm định hướng cho các hoạt động y học cổ truyền bền vững.
HẾT
Hình ảnh : https://drive.google.com/drive/folders/1nAxmf7pKULjG1woxV6WQStRaIpD2F_o6?usp=drive_link
Ghi chú
Hội thảo này được tổ chức bởi Văn phòng TRAFFIC tại Việt Nam và Trung Quốc, trong khuôn khổ sáng kiến do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tại Đức thực hiện, cùng hỗ trợ tài chính của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Đức (BMUV).
Sáng kiến này nhằm góp phần làm giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ các nỗ lực hạn chế nạn săn bắt trái phép và bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời thúc đẩy các phương thức hoạt động bền vững trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Các tổ chức khác
Hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc (CATCM)
Hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc (CATCM) được thành lập vào tháng 12 năm 2000 và là một tổ chức phi lợi nhuận bao gồm các công ty, đơn vị nghiên cứu, trường đại học và cá nhân về Y học cổ truyền Trung Quốc. Với 500 doanh nghiệp thành viên và hơn 70 chi nhánh, Hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc (CATCM) ưu tiên bảo tồn các loài hoang dã và cân bằng sinh thái. Hiệp hội ủng hộ sự phát triển bền vững của nền YHCT Trung Quốc, thúc đẩy việc sử dụng phương pháp nhân giống và canh tác nhân tạo để bảo vệ tài nguyên hoang dã khỏi tình trạng khai thác trái pháp luật. Hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc hướng ngành Y học cổ truyền Trung Quốc tới các hoạt động thân thiện với môi trường, cân bằng giữa việc sử dụng tài nguyên với việc bảo tồn đa dạng sinh học nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên dược liệu trong tầm nhìn dài hạn.
Hội Đông y Việt Nam (VOTMA)
Hội Đông y Việt Nam (VOTMA) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân Việt Nam hành nghề đông y và đông dược, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và bảo tồn nền YHCT của Việt Nam, đoàn kết các thầy thuốc trong và ngoài nước cùng đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hội Đông y Việt Nam (VOTMA) hợp tác với ngành y tế để tích hợp và hiện đại hóa Đông y và Tây y, hướng tới mục tiêu đưa Đông y trở thành lĩnh vực khoa học đặc trưng cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, Hội Đông y Việt Nam (VOTMA) còn nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông, truyền bá kiến thức về phòng ngừa và điều trị bệnh.
Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR)
Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR) được thành lập năm 2017, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Vào tháng 6 năm 2017, Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR) đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ từ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Chức năng chính của Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR) là tập hợp các nhà nghiên cứu để đánh giá tác dụng lâm sàng và hiệu quả điều trị của các bài thuốc dân gian Việt Nam phục vụ cho hoạt động sản xuất thuốc và điều trị. Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR) còn nuôi trồng nguồn gen cây thuốc để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm của Việt Nam. Mục tiêu của Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR) là thành lập các vùng dược liệu, khu bảo tồn cây thuốc y học cổ truyền và các điểm du lịch sinh thái để thúc đẩy đa dạng sinh học của các cây thuốc. Với phương châm “Khai phá tiềm năng – Nâng tầm sức khỏe”, Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR) mong muốn trở thành thương hiệu uy tín, đáng tin cậy trong lĩnh vực y học cổ truyền, đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
[1] https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/19213/ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-de-phat-trien-san-pham-tu-duoc-lieu.aspx#:~:text=T%E1%BB%95ng%20gi%C3%A1%20tr%E1%BB%8B%20ch%E1%BA%BF%20ph%E1%BA%A9m,v%E1%BB%8B%20thu%E1%BB%91c%20110%20tri%E1%BB%87u%20USD.