Nhiệm vụ của Viện là sưu tầm, nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển các bài thuốc quý chữa bệnh của cộng đồng 54 dân tộc Việt nam; phối hợp với các viện chuyên ngành, các bệnh viện trong và ngoài nước để thẩm định các bài thuốc dân tộc cổ truyền làm cơ sở ứng dụng điều trị bệnh và sản xuất lưu hành, ứng dụng công nghệ hiện đại; triển khai áp dụng kỹ thuật bảo tồn, nuôi trồng và phát triển sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), cung cấp dược liệu sạch cho sản xuất thuốc, thực phẩm BVSK và tham gia xuất khẩu.
Với mục đích khơi dậy tiềm năng vốn tri thức Y Dược học cổ truyền và nguồn cây con làm thuốc quý hiếm của các dân tộc để sản xuất ra các sản phẩm của Việt Nam tốt nhất, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam và trên thế giới.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Từ lâu Việt Nam đã có một nền y học cổ truyền lâu đời, là một trong những di sản quý báu của dân tộc. Đây cũng là hệ thống y học duy nhất chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng trước khi nền y học hiện đại của phương tây xâm nhập vào Việt Nam. Ngày nay mặc dù y học hiện đại đã góp phần to lớn vào việc chăm sóc sức khoẻ, phòng và chữa trị bệnh tật nhưng y học cổ truyền vẫn có tiềm năng lớn và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp y tế chung bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Cùng với lịch sử phát triển hàng nghìn năm của những bài thuốc dân gian, nhu cầu bảo tồn và phát triển nguồn cây thuốc cổ truyền phục vụ thiết thực cho nhu cầu chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ cho nhân dân từ các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam … ngày càng đặt ra bức thiết.
Việt Nam có hơn 50 dân tộc anh em, mỗi một dân tộc có những phong tục tập quán và bản sắc văn hoá riêng. Mỗi dân tộc cũng có nhiều kinh nghiệm truyền thống lâu đời sử dụng cây cỏ làm thuốc, có những bài thuốc quý để phòng và chữa các loại bệnh tật. Mỗi dân tộc khác nhau đã tích luỹ riêng cho chính mình những kinh nghiệm dân gian sử dụng độc đáo các loài cây thuốc đặc hữu tại địa phương mình, đã sử dụng nhiều bài thuốc chữa bệnh điều trị có hiệu quả cao. Tuy nhiên, kinh nghiệm và truyền thống dân gian sử dụng các bài thuốc quý của các cộng đồng dân tộc ngày càng đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Tri thức bản địa bị mai một, truyền thống sử dụng các bài thuốc dân gian nay bị mất dần dưới tác động của nhiều yếu tố trong đời sống hiện đại.
Bên cạnh đó việc khai thác bừa bãi các loài cây làm thuốc không có ý thức bảo tồn của người dân, chạy theo lợi nhuận kinh tế đã làm cho nhiều loài cây thuốc quý ngày càng cạn kiệt và mất dần. Việc kế thừa, gìn giữ và phát triển y học cổ truyền không những là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính tại địa phương nơi có các cộng đồng dân tộc ít người sinh sống đang sở hữu vốn tri thức và những kinh nghiệm sử dụng quý báu về cây thuốc, bài thuốc bản địa.
Chính vì những lý do trên, việc nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam và để bảo tồn nguồn cây thuốc quý là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn vốn tri thức y học truyền thống bản địa, đồng thời cũng góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam – VIMPHAR được thành lập để tiếp tục sứ mệnh cao cả đó. Viện được thành lập theo quyết định số 511/QĐ-LHHVN ngày 14/6/2017. Viện cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ vào ngày 30/6/2017. Viện có chức năng tập hợp các nhà khoa học để đánh giá tác dụng lâm sàng, hiệu quả điều trị bệnh các bài thuốc dân tộc Việt Nam ứng dụng vào sản xuất thuốc điều trị bệnh; nuôi cấy nguồn gen cây con thuốc để bảo tồn phát triển nguồn dược liệu quý hiếm của Việt Nam và xây dựng các vùng dược liệu, các khu bảo tồn cây thuốc YHCT, khu nghỉ dưỡng sinh thái phát triển đa dạng sinh học cây con thuốc…
Trao đổi với PV, Thiếu tướng, TS, Thầy thuốc nhân dân Đỗ Thế Lộc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam cho biết: “Thực hiện theo lời dạy của đại danh y Thiền Sư Tuệ Tĩnh “Nam dược trị nam nhân” và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “kết hợp thuốc đông và thuốc tây, thuốc ta và thuốc bắc” để xây dựng một nền y học Việt Nam dân tộc, khoa học và đại chúng, chúng tôi đã tham vấn các nhà khoa học, các nhà chuyên môn có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y dược học cổ truyền để thành lập Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam với sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ”.
TS Đỗ Thế Lộc – Viện trưởng cũng cho biết, Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam dự kiến tập trung vào những công tác: Chọn một số địa phương để tiến hành lập các đề tài, chương trình, dự án điều tra khảo sát các bài thuốc quý của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây nam bộ; đưa một số bài thuốc quý chữa bệnh có hiệu quả cao vào nghiên cứu đánh giá tác dụng lâm sàng để ứng dụng vào điều trị bệnh và sản xuất lưu hành; tập trung xây dựng bảo tồn một số cây thuốc quý tại các trung tâm nuôi trồng bảo tồn cây con thuốc; xây dựng các Dự án phát triển vùng trồng cây thuốc áp dụng tiêu chuẩn dược liệu sạch (GACP) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); cập nhật thường xuyên kiến thức và kỹ thuật y học tiên tiến thông qua việc hợp tác chuyên môn với các Viện danh tiếng trong và ngoài nước. Đồng thời triển khai Trung tâm khám và điều trị, trên cơ sở ứng dụng các kết quả nghiên cứu tốt nhất, nhằm năng cao sức khỏe nhân dân.
Với tôn chỉ mục đích“Khơi dậy tiềm năng – Nâng tầm sức khỏe”,Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam – VIMPHAR hứa hẹn sẽ trở thành danh hiệu uy tín về Y Dược học cổ truyền được mọi người tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.