Lịch sử phát triển
“VIỆN NGHIÊN CỨU CÁC BÀI THUỐC DÂN TỘC VIỆT NAM – VIMPHAR”
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn hiện nay.
Ngay từ những ngày đầu, cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của đất nước Việt Nam ta chưa thành công, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm và rất coi trọng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, Người cho rằng: “Chăm sóc sức khỏe cũng góp phần tạo ra của cải xã hội chứ không phải là một công việc chỉ tiêu tốn của cải xã hội”, đặc biệt Người quan tâm chỉ đạo việc kết hợp thuốc Đông y với Tây y: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”.
Việt Nam có một nền Y học cổ truyền lâu đời, đó là một trong những di sản quý báu của dân tộc, đây là hệ thống Y học duy nhất chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng trước khi nền Y học hiện đại của phương tây xâm nhập vào Việt Nam. Ngày nay mặc dù Y học hiện đại đã góp phần to lớn vào việc chăm sóc sức khoẻ, phòng và chữa trị bệnh tật cho cộng đồng tại Việt Nam, nhưng Y học cổ truyền vẫn là tiềm năng lớn và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp Y tế chung bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Trên thế giới, Y học cổ truyền của các dân tộc hiện nay vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc chăm sóc, phòng và chữa bệnh thời kỳ đầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam (Theo Tổ chức Y tế thế giới).
Bảo tồn và phát triển nguồn cây thuốc cổ truyền trước tiên phải phục vụ thiết thực cho nhu cầu chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ cho nhân dân, từ các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, từng bước xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Đặc biệt là xã hội hoá Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân, cho người nghèo, cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đây là quan điểm chủ đạo và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.
Tại Việt Nam có hơn 50 dân tộc anh em, mỗi một dân tộc có những phong tục tập quán và bản sắc văn hoá riêng, song đều có nhiều kinh nghiệm truyền thống lâu đời sử dụng cây cỏ làm thuốc, có những bài thuốc quý để phòng và chữa các loại bệnh tật. Mỗi dân tộc khác nhau đã tích luỹ riêng cho chính mình những kinh nghiệm dân gian sử dụng độc đáo các loài cây thuốc đặc hữu tại địa phương mình, đã sử dụng nhiều bài thuốc chữa bệnh điều trị có hiệu quả cao. Cùng một cây thuốc có dân tộc thì dùng để chữa trị bệnh này, song một số dân tộc thì dùng để chữa bệnh khác. Tuy nhiên, kinh nghiệm và truyền thống dân gian sử dụng các bài thuốc quý của các cộng đồng dân tộc ngày càng đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Tri thức bản địa bị mai một, truyền thống sử dụng các bài thuốc dân gian nay bị mất dần dưới tác động của nhiều yếu tố trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó việc khai thác bừa bãi các loài cây làm thuốc không có ý thức bảo tồn của người dân, chạy theo lợi nhuận kinh tế đã làm cho nhiều loài cây thuốc quý ngày càng cạn kiệt và mất dần, việc kế thừa và phát huy các bài thuốc YHCT ngày càng bị mai một. Việc Kế thừa, gìn giữ và phát triển YHCT không những, là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính tại địa phương nơi có các cộng đồng dân tộc ít người sinh sống đang sở hữu vốn tri thức và những kinh nghiệm sử dụng quý báu về cây thuốc, bài thuốc bản địa. Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam, và để bảo tồn nguồn cây thuốc quý là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn vốn tri thức Y học truyền thống bản địa, đồng thời cũng góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Qua các giai đoạn cách mạng và từ trước đến nay Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để đẩy mạnh công tác YHCT trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Những văn bản chỉ đạo đầu tiên về phát triển dược liệu đã được ban hành từ thời nhà Lý, thế kỷ thứ X, đặc biệt là Chỉ thị số 24 – CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. Hội nghị ngày 12/4/2017 tại Lào Cai của Chính phủ về phát triển Dược liệu Việt Nam nhằm tìm ra các giải pháp khắc phục cho được những hạn chế, bất cập của ngành dược liệu cổ truyền Việt Nam, quyết tâm đưa ngành sản xuất dược liệu đi vào quỹ đạo phát triển mạnh mẽ, phát huy tiềm năng, lợi thế ngàn đời nay của đất nước.
Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết đó, với tâm huyết mong muốn đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân bằng YHCT, góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam. “Viện Nghiên cứu các Bài thuốc Dân tộc Việt Nam” đã ra đời là phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực chuyên môn của các nhà khoa học, các chuyên gia, các thầy thuốc Y học cổ truyền.