VIMPHAR – Ngày 21/7, 30 công ty dược phẩm và Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam cam kết không sử dụng dược liệu và thành phần có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã trái pháp luật trong quá trình sản xuất thuốc đông dược.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Tăng cường quản lý, sử dụng các thành phần tự nhiên hợp pháp và bền vững trong sản xuất thuốc đông dược. |
Tìm dược liệu thay thế cho ngành công nghiệp dược phẩm
Sử dụng động, thực vật hoang dã như các vị thuốc trong các bài thuốc y học cổ truyền có lịch sử từ hàng nghìn năm và đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân.
Tuy nhiên, việc khai thác quá mức các loài động, thực vật hoang dã đang đặt ra thách thức cho sự phát triển bền vững. Ngành dược và các thầy thuốc y học cổ truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc chấm dứt các hành vi sử dụng dược liệu và thành phần có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã (động vật hoang dã) trái pháp luật như một vị thuốc chữa bệnh hiệu quả theo y học cổ truyền, cũng như định hướng việc sử dụng các dược liệu và thành phần hợp pháp và bền vững.
Với mục đích thúc đẩy việc sử dụng các dược liệu và thành phần hợp pháp, an toàn và bền vững trong sản xuất thuốc đông dược, Tổ chức TRAFFIC phối hợp cùng Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (VIMPHAR) tổ chức chương trình Hội thảo Tăng cường quản lý, sử dụng các thành phần tự nhiên hợp pháp và bền vững trong sản xuất thuốc đông dược với sự tham gia của 30 công ty về y, dược phẩm và y học cổ truyền.
Thiếu tướng, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Đỗ Thế Lộc, Viện trưởng VIMPHAR cho biết, hiện nay, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ với 44,000 lao động hiện đang làm việc trong ngành và tổng giá trị tăng từ 2,7 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 3,6 tỷ USD vào năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng kép là 10,6%. Từ đó, cho thấy sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp dược phẩm.
Thiếu tướng, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Đỗ Thế Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam phát biểu. |
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng và các thuốc thay thế (dùng để điều trị cùng một loại bệnh) đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà sản xuất đến sau và làm gia tăng mức độ cạnh tranh trong ngành.
Đồng thời, các nguyên liệu sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên đang được chú trọng nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các loại thuốc mới thân thiện với sức khỏe con người và ít tác dụng phụ hơn.
Tuy nhiên, cũng đặt ra một thách thức mới làm thế nào để khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên này một cách bền vững và hiệu quả vì khai thác quá mức và lạm dụng sử dụng sẽ dẫn đến sự suy kiệt và thậm chí nhiều loài động vật hoang dã chỉ vì các bộ phận và sản phẩm từ chúng được người dân săn lùng đã bị hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Ví dụ như Xuyên Sơn Giáp là vẩy phơi khô của con tê tê hay còn gọi là con trút, là vị thuốc được dùng trong phạm vi nhân dân và được lưu truyền từ xưa đến nay. Theo tài liệu cổ, Xuyên Sơn Giáp có vị mặn, tính hơi hàn, có độc vào hai kinh Can và Vị. Xuyên Sơn Giáp có tác dụng tán huyết thông lạc; tan ung nhọt; lở loét; tắc tia sữa; đau nhức các khớp xương, đầu xương. Tuy nhiên, hiện tại tê tê là loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng, Nhà nước và các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới khuyến cáo không nên dùng vẩy tê tê nhằm để bảo tồn loại động vật quý hiếm này.
Cộng đồng y học cổ truyền nói không với các loài động vật hoang dã
Thiếu tướng, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Đỗ Thế Lộc, Viện trưởng VIMPHAR cho biết: “VIMPHAR nhận thức được vai trò tiên phong và dẫn dắt của mình trong việc chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong các hoạt động liên quan đến dược phẩm.
VIMPHAR sẽ tích cực thông tin và khuyến khích cộng đồng y học cổ truyền nói không với các loài động vật hoang dã trong quá trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kết nối và khuyến khích các công ty dược phẩm, các thầy thuốc y học cổ truyền, giám sát họ hành động và thúc đẩy các dược liệu, thành phần và giải pháp an toàn và hợp pháp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã”.
Trong 10 năm qua, Tổ chức TRAFFIC đã và đang nỗ lực thực hiện các can thiệp nhằm thông tin và hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về y học cổ truyền và các thầy thuốc y học cổ truyền về việc sử dụng và kê đơn thuốc với các dược liệu, thành phần an toàn, bền vững và hợp pháp. Ví dụ như, việc xây dựng và phát hành các cuốn sổ tay hướng dẫn sử dụng các vị thuốc có nguồn gốc từ các cây thuốc hợp pháp và bền vững.
Bà Bùi Thúy Nga, Quản lý chương trình của Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã và đang phối hợp với cộng đồng y học cổ truyền và ngành dược Việt Nam trong các hoạt động liên quan đến việc chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.
TRAFFIC cũng cung cấp thông tin, tổ chức đào tạo và hướng dẫn các công ty dược phẩm, y học cổ truyền trong việc lồng ghép các nội dung về bảo tồn động vật hoang dã trong chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp cũng như khuyến khích việc áp dụng các phương thức, mô hình kinh doanh hướng đến các sản phẩm đông dược thân thiện với môi trường và không gây tổn hại tới thiên nhiên hoang dã”.
Cam kết sản xuất và bán các sản phẩm không chứa các dược liệu từ các loài động vật hoang dã trái pháp luật
Theo Viện Dược liệu, Việt Nam có khoảng 4.000 cây dược liệu đã được chứng nhận, nhiều loài cây trong số đó được người Việt sử dụng khá phổ biến. Ví dụ: Cây nhọ nồi dùng để hạ sốt, cây ba kích hỗ trợ giảm các cơn đau nhức xương khớp, cây bồ công anh giúp lợi sữa.
Nguồn dự trữ tự nhiên phong phú này có khả năng đáp ứng nhu cầu về việc sử dụng dược liệu, chất chiết xuất, thành phần trong sản xuất thuốc đông dược, đồng thời hạn chế nhu cầu sử dụng các loài động vật hoang dã cho mục đích này.
Đại biểu tham gia Hội thảo có cơ hội chia sẻ ý kiến, quan điểm và thảo luận về những ý tưởng, hành động cụ thể nhằm góp phần giải quyết vấn đề này; ví dụ như thực hiện các hoạt động đào tạo cho nhân viên và khách hàng của doanh nghiệp về các dược liệu, thành phần bền vững và hợp pháp.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa Dược Việt Nam cho biết: “Việc tham gia chương trình Hội thảo ngày hôm nay đã khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trong việc bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Công ty Hóa Dược Việt Nam cam kết sản xuất và bán các sản phẩm không chứa các dược liệu, thành phần có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã trái pháp luật”.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu và cân nhắc tổ chức các chương trình đào tạo nhân viên doanh nghiệp về bảo tồn động vật hoang dã cũng như khuyến khích hệ sinh thái của doanh nghiệp bao gồm khách hàng, đối tác trong việc sử dụng dược liệu và thành phần hợp pháp và an toàn trong sản xuất thuốc đông dược”, ông Nguyễn Văn Quý nói.
Sau khi Hội thảo kết thúc, 10 doanh nghiệp y, dược phẩm và 2 Viện nghiên cứu về y học cổ truyền đã ký cam kết không sử dụng dược liệu, thành phần có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã trái pháp luật và sẽ lồng ghép các nội dung về động vật hoang dã vào chương trình đào tạo nội bộ của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ truyền tải thông điệp truyền thông thay đổi hành vi về việc sử dụng các thành phần, dược liệu hợp pháp, an toàn và bền vững trên các kênh truyền thông của mình.